TẤT TẦN TẬT CÁC LINH KIỆN PHỤ TÙNG TRONG ĐỒNG HỒ
29/05/2019
0
Linh kiện là thứ mà không thể thiếu trong tất cả những loại máy móc. Chúng là thứ tạo nên sự hoạt động của một chiếc máy.
Ở trong chiếc đồng hồ thì linh kiện càng được nhấn mạnh bởi vai trò của nó. Mỗi linh kiện của chiếc đồng hồ là một phần không thể thiếu để tạo nên một tuyệt tác. Hãy cùng RealWatch tìm hiểu trong một chiếc đồng hồ có những loại linh kiện nào nhé.
Viền – Đai Kính (Bezel): phần kim loại bao quanh mặt kính, linh kiện thuộc vỏ đồng hồ, tùy theo loại đồng hồ và chức năng mà Bezel có thể: tách rời khỏi vỏ hoặc không, xoay được hoặc không, xoay một chiều hay hai chiều.
Mặt Kính: có trách nhiệm bảo vệ kim và các chi tiết mặt số, mặt kính chủ yếu được làm từ 3 chất liệu: tinh thể khoáng, tinh thể Sapphire tổng hợp, nhựa. Trên các loại đồng hồ cao cấp, mặt kính có thể được làm cong, cong vòm để tăng khả năng chịu lực và thẩm mỹ hoặc phủ lớp chất liệu chống phản chiếu (AR – Anti-Reflection, giúp nhìn được ngay cả khi mặt số bị ánh sáng chói chiếu vào).
Mặt Số: mặt đồng hồ, nơi in/gắn chỉ số, ký tự, dấu hiệu… hiển thị thời gian cùng các chức năng. Mặt thường được làm bằng đồng thau mạ phủ màu hoặc kim loại chống ăn mòn, số ít bằng bạc khối, bạc Đức, vàng khối, nhựa,…
Mặt Phụ: cung tròn hoặc mặt tròn nhỏ nằm trong mặt số, thường dùng để hiển thị các chức năng ngoài giờ-phút. Mặt phụ thường được tạo ra bằng cách khắc dập mặt số chính.
Cọc Số: những dấu hiệu đại diện cho mốc thời gian, có thể đơn giản là những vạch dài hoặc chữ số La Mã (Roman), số Học Trò (Arab). Chúng có thể là linh kiện rời gắn mặt số hoặc được in/vẽ/ trực tiếp lên mặt số.
Mẫu đồng hồ có cọc số Lã Mã: https://donghorealwatch.com.vn/Presage/3914-srpc06j1.html
Mẫu đồng hồ có cọc số Arab: https://donghorealwatch.com.vn/Presage/3046-spb041j1.html
Kim: kim đồng hồ, chỉ giờ hoặc chức năng, trên kim thường được sơn thêm một lớp vật liệu dạ quang để hiển thị thời gian trong bóng tối hoặc áp dụng những kỹ thuật trang trí hoàn thiện như mạ vàng, nung 270-310 độ C tạo lớp màu xanh, chạm khắc…
Hình dạng kim đồng hồ cũng khá nhiều, các kiểu phổ biến như: Leaf, Breguet, Baton, Arrow, Skeleton, Alpha, Dauphine, Sword, Pencil, Mercedes… mỗi hình dạng lại có vô số biến thể khác nhau và không ngừng được các hãng/thợ đồng hồ sáng tạo thêm.
Vỏ: có thể xem là chỉ gồm mỗi khung vỏ (niềng vỏ) hoặc tính cả Bezel và Nắp Lưng (và cả mặt kính).
Vấu – Quai (Lug): một phần của bộ vỏ dùng để gắn dây đeo. Trên đồng hồ hiện đại, đa số Vấu đều là nguyên khối liền với khung vỏ, số ít vấu (thường là đồng hồ siêu mỏng) liền khối với nắp lưng, một số khác là vấu quai hàn (loại này có từ đầu thế kỷ 20 trên những chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên).
Chốt: thanh kim loại dùng để kết nối các mắt dây với nhau, kết nối mắt dây với khóa, kết nối dây với vấu.
Nắp Lưng: phần nắp gắn vào mặt sau vỏ, vì tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên lâu dài với da tay nên hầu hết đều được làm bằng thép không gỉ (hoặc kim loại chống ăn mòn như vàng, bạch kim, …) để chống mồ hôi ăn mòn. Nắp lưng cũng có cấu trúc dày khỏe, kín nước nhằm bảo vệ bộ máy. Nắp Lưng có nhiều loại nhưng Loại chắc chắn và chịu nước tốt nhất là Nắp Vặn – Screw Down Case Back không nhìn thấy máy.
Núm Chỉnh: cái núm dùng để thiết lập thời gian và lịch đồng hồ. Trên đồng hồ cơ, núm chỉnh còn có công dụng lên dây cót. Núm chỉnh cũng là một bộ phận quan trọng việc tạo ra khả năng chịu nước trên đồng hồ, loại núm chịu nước tốt nhất hiện nay là Núm Vặn Chống Nước – Screw Down Crown.
Trục Núm: trục gắn núm chỉnh, kết nối núm chỉnh với bộ máy để thông qua núm chỉnh thiết lập chức năng đồng hồ hoặc vặn dây cót.
Khung Nền: tấm kim loại lớn nhất trong bộ máy có nhiệm vụ gắn kết tất cả các linh kiện khác của máy nên được xem là khung xương của máy, mặt còn lại của Khung Nền gắn chặt vào mặt số. Khung nền máy cơ thường được làm bằng hợp kim đồng thau mạ Nickel hoặc Rhodi, Khung Nền máy cao cấp có thể làm bằng Bạc Đức, hầu hết khung nền máy quartz đều làm bằng nhựa.
Cầu: cầu thường là một mảnh kim loại nối với khung nền để giữ cố định các bộ phận rời. Cầu thường chỉ có trên máy cơ.
Bánh Đà: linh kiện dùng để tạo năng lượng của máy đồng hồ tự động, máy kinetic. Khi Bánh Đà xoay thì chúng sẽ lên dây cót (hoặc sinh ra điện), từ đó, nếu tay đeo và cử động thường xuyên, đồng hồ cơ sẽ tự động lên dây cót (đồng hồ kinetic sẽ tự sinh điện từ từ trường xoay) hoạt động.
Bánh Răng: chỉ chung các loại bánh răng trong máy đồng hồ.
Bánh Răng Lớn: chỉ các loại Bánh Răng vận hành các kim, chức năng, bánh xe gai, thường dẹp, rỗng (tương tự bánh xe), nhiều răng. Chúng có nhiệm vụ xoay các kim hoặc đĩa chức năng.
Bánh Răng Nhỏ: loại bánh răng có kích thước nhỏ thường được làm bằng thép, chúng ăn khớp với các bánh răng lớn để truyền động. Bánh Răng Nhỏ thường được làm bằng thép, kích thước nhỏ, đặc, ít răng, thường kết nối với các bánh răng với nhiệm vụ truyền động.
Bánh Lắc: bánh tròn được làm bằng các hợp kim ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi từ trường và nhiệt độ, thường có màu vàng, là bộ phận quan trọng nhất trong Bộ Dao Động của máy đồng hồ cơ.
Chức năng của nó tương đương con lắc đồng hồ đó là điều tiết hoạt động Bánh Lắc Bánh xe cân bằng tạo ra chuyển động tạm thời, quay vòng qua lại, sau đó truyền qua bánh răng của chuyển động đồng hồ sang chuyển động của bàn tay. Nó có cùng chức năng như con lắc trong đồng hồ là điều tiết và chia đều chuyển động.
Dây Tóc: linh kiện trong bộ máy cơ có hình dạng giống cái lò xo phẳng, được làm từ những chất liệu có độ bền rất cao, ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi từ trường hoặc nhiệt độ, ít hoặc không bị ăn mòn gỉ sét như Nivarox, Spron, Silicon.
Dây Tóc là một bộ phận quan trọng thuộc bộ dao động có tác dụng kiểm soát tốc độ dao động của Bánh Lắc khi tạo ra dao động và cũng là một trong những bộ phận quan trọng nhất đối với máy cơ. Cùng với Bánh Lắc, Dây Tóc là một trong những thành phần quan trọng nhất của một chiếc đồng hồ cơ khí, được coi là trái tim của đồng hồ.
Trục Bánh Lắc: linh kiện thuộc Bộ Dao Động trong máy cơ, là trục để gắn kết Bánh Lắc với Bệ Bánh Lắc. Đầu trên của Trục Bánh Lắc chính là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi gặp sốc nên phải được được trang bị cơ chế chống sốc (Incabloc, KIF…).
Vành Tóc: bộ phận cầu trong bộ máy có nhiệm vụ “treo” Bánh Lắc-Dây Tóc, là nơi để giữ Trục Bánh Lắc, đặt Bộ Điều Chỉnh cũng như cơ chế chống sốc.
Bánh Xe Gai: bộ phận thuộc bộ hồi trong máy đồng hồ cơ có công dụng truyền năng lượng đến ngựa để từ ngựa truyền đến Bánh Lắc và nhận năng lượng truyền ngược lại từ Bánh Lắc nhằm chia đều năng lượng, điều tiết chuyển động.
Ngựa (Lever): linh kiện thuộc Bộ Hồi của máy cơ, là một thanh kim loại có 3 đầu hình chữ Y, 2 đầu gắn Chân Kính Phiến. Một đầu Ngựa gắn Chân Kính Phiến nhận năng lượng từ Bánh Xe Gai rồi truyền đến Bệ Bánh Lắc bằng đầu không chân kính, đầu Ngựa gắn Chân Kính Phiến còn lại nhận lực neo trả về từ Bệ Bánh Lắc để tham gia vào việc điều khiển vòng quay của các Bánh Răng.
Chân Kính Phiến: viên đá màu đỏ, hồng, thường được làm bằng hồng ngọc hoặc sapphire tổng hợp gắn trên hai đầu ngựa, có hình dạng viên gạch, nhiệm vụ là truyền động cùng giữ ngừng Bánh Xe Gai.
Chân Kính: thường được làm bằng hồng ngọc hoặc sapphire tổng hợp có độ cứng cao gắn vào các nơi xảy ra ma sát trong bộ máy để làm giảm sự mài mòn nhằm tăng độ bền và độ chính xác cho máy (tương tự như vòng bi).
Chức năng càng nhiều thì thường sẽ có càng nhiều chân kính nhưng nhiều chân kính hơn không đồng nghĩa với tốt hơn, bất cứ một cấu trúc máy nào cũng đều chỉ cần một số lượng chân kính nhất định, nhiều hơn con số này là dư thừa, chân kính cũng có tác dụng trang trí cho bộ máy.
Bệ Bánh Lắc: linh kiện thuộc Bộ Hồi của máy cơ, Bệ dưới của Bánh Lắc, gồm một bệ kim loại có gắn Chân Kính Con Lăn – Roller Jewels, Bệ Bánh Lắc nhận năng lượng từ Ngựa thông qua Chân Kính Con Lăn và làm xoay Bánh Lắc rồi nhận năng lượng trả về từ Bánh Lắc, lực trả về từ Bánh Lắc truyền đến Ngựa thông qua Chân Kính Con Lăn rồi từ đó tạo thành lực neo cho Bánh Xe Gai, hoạt động này sẽ điều tiết năng lượng đến các bánh răng vận chuyển kim đồng hồ.
Trống Cót: bộ phận tạo năng lượng trong máy cơ, cấu tạo là một cái hộp hình trụ bên trong có chứa Dây Cót, hai đầu Trống Cót đều có răng để kết nối với trục núm/bánh đà và các bánh răng.
Khi Bánh Đà xoay hoặc trục núm xoay, các răng có trên một đầu Trống Cót sẽ xoay Trống Cót từ đó lên Dây Cót. Dây Cót được lên dây sẽ sinh ra năng lượng, ở đầu còn lại của Trống Cót sẽ có các răng để truyền năng lượng đi khắp nơi giúp đồng hồ hoạt động.
Dây Cót: bộ phận sinh ra năng lượng vận hành đồng hồ cơ, là một đoạn dây kim loại dẹp cuộn thành dạng lò xo phẳng thường là hợp kim sắt-niken-crom-phụ gia khác nhau hay hợp kim Spron. Khi lên dây cót sẽ khiến cho dây cót bị thít chặt từ đó sinh ra lực “kéo” các bánh răng trong đồng hồ chạy.
Trục Truyền: trục kim loại có bánh răng để gắn các bánh răng, bánh xe đồng thời kết nối với các loại bánh răng khác.
Trục (Pivot): trục kim loại để gắn các bánh răng, bánh xe, hầu hết mỗi đầu trục của máy cơ có chân kính đồng thời lau dầu bôi trơn để giảm ma sát.
Gioăng Cao Su: vòng cao su (bằng vật liệu chống thấm nước như cao su thiên nhiên, tổng hợp, chất dẻo, nhựa, …) được gắn trong núm chỉnh, nắp lưng, dưới kính để chống thấm nước.
Động Cơ Bước: bộ phận sử dụng năng lượng điện để vận hành các hoạt động cơ khí trong máy quartz, Động Cơ Bước sẽ xoay các bánh răng từ đó khiến các kim hoạt động.
Tinh Thể Thạch Anh (Quartz Crystal): bộ phận tạo ra dao động tương đương với Bánh Lắc được xem là trái tim của đồng hồ quartz, là mảnh thạch anh nhỏ được tổng hợp hoặc thiên nhiên, hầu hết tinh thể thạch anh đều có hình chữ U. Cái tên “thạch anh” hoặc “quartz” chính là nguồn gốc tên gọi của đồng hồ thạch anh/đồng hồ quartz.
Một số mẫu đồng hồ Quartz phổ biến:
https://donghorealwatch.com.vn/Dong-ho-nam/818-kc9293.htmlHãy để RealWatch cùng bạn trân trọng từng phút giây !